DU LỊCH PHAN RANG – LÀNG GỐM BÀU TRÚC CÓ GÌ HAY
Làng gốm truyền thống Chăm Pa Bàu Trúc là một làng nghề phát triển, đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của những hậu duệ người Chăm tại vùng đất Phan Rang ngày nay.
Trong hành trình khám phá miền Nam và tỉnh Ninh Thuận xinh đẹp, hai đứa mình lại rong ruổi ghé thăm làng gốm Chăm Pa, một làng nghề không thể bỏ qua khi đến Phan Rang. Cùng chúng tớ đi nào! 😍
LÀNG GỐM CHĂM PA TRUYỀN THỐNG HIẾM HOI CÒN SÓT LẠI
Điểm đặc sắc nhất mà Huệ thích ở làng gốm Bàu Trúc chính là phương thức làm gốm thủ công truyền thống. Khác với các làng gốm truyền thống khác như Bát Tràng, người nghệ nhân Chăm Pa không dùng bàn xoay tự động để tạo hình. Tất cả đều đến từ đôi tay, đôi chân và trái tim của người nghệ nhân Chăm Pa.
Không hề có sự trợ giúp của máy xoay, chính điều này làm nên nét độc đáo của gốm Chăm Pa; dù tất nhiên độ tinh xảo, độ mỏng và nét hoàn thiện của sản phẩm không được như gốm Bát Tràng.
Bù lại, mỗi sản phẩm của người dân làng gốm Bàu Trúc có sự không hoàn hảo, có sự chênh lệch, có những lỗi chưa toàn mỹ, nhưng rất con người! Đó chính là hồn của đất và người hòa quyện vào nhau. Huệ thấy đẹp lắm.
Đi từ trung tâm Phan Rang đến làng gốm Bàu Trúc, các bạn chỉ mất khoảng 8 km với những con đường làng xanh rì lúa non, những em bé chăn trâu sẵn sàng cười vui trước ống kính (còn đưa tay chữ V, miệng …say hi nữa).
Đến làng gốm Bàu Trúc, các bạn cố gắng mua 1 sản phẩm ủng hộ người dân nha. Huệ mua 1 sản phẩm gốm nho nhỏ về làm quà, giá cũng phải chăng từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, tùy theo kích thước và độ tinh xảo.
NÉT ĐẶC SẮC CỦA HỒN ĐẤT
Một nét độc đáo khác của gốm Chăm Pa Bàu Trúc chính là nguyên liệu đất. Khác với đất làm gốm của nhiều nơi, người Chăm dùng một loại đất sét đặc biệt chỉ có ở quanh khu vực làng, trộn với cát mịn nhuyễn. Chính vì vậy đất sét của Bàu Trúc khá cứng, rất phù hợp cho việc tạo hình thô sơ rồi mới chỉnh sửa từng chi tiết về sau.
Hai đứa mê mệt nhìn những đôi tay trần nặn hình hài cho đất mà quên béng trời chuyển mưa. Ngoài kia, những em bé người Chăm, người Kinh chơi đùa hồn nhiên. Xa xa có mấy bác nông dân đang đốt rơm, khói bay ngút 1 góc làng.
Không khó bắt gặp cảnh người dân làng gốm Bàu Trúc nung nấu gốm ngoài trời. Đây cũng là nét đặc biệt khác của gốm Chăm khi không sử dụng lò nung truyền thống mà nung ngoài trời nhằm đảo bảo độ lượng oxy cao nhất.
Chưa hết đâu nha, các bạn có ghé làng gốm Bàu Trúc thì đến thăm con kênh nước chính của làng. Cảnh các em bé, thanh niên, người lớn…cùng tắm suối, vui cười; các bà mẹ đang giặt giũ. Khung cảnh làng quê hiện ra trước mắt Huệ nhẹ nhàng, nồng ấm và an nhiên quá! Tiếc 1 điều là lúc đó hai đứa cứ lo nhìn mà quên …chụp hình luôn! 😣
Kết thúc chuyến thăm, hai đứa ngồi 1 góc quán bên đường uống ly nước dừa, ngắm nhịp sống êm ả nơi miền quê. Bằng những đôi bàn tay khéo léo, người dân nơi này vẫn giữ được nét truyền thống, tính lịch sử của những thế hệ đi trước.
Tuyệt vời hơn trong Huệ chính là không những được chiêm ngưỡng họ gìn giữ văn hóa, mà được là một phần, đắm mình vào cuộc sống của người Chăm, dù chỉ trong một vài giây phút.
Ngày 21 tháng 10 hàng năm chính là ngày giỗ tổ nghề của làng và là dịp không thể bỏ qua nếu du lịch Phan Rang. Các bạn hãy ghé thăm làng gốm Bàu Trúc, Phan Rang nhé.
——–