A Travel and Lifestyle blog by HueandSun Team

Chia sẻ kinh nghiệm lễ hội Loy Krathong tại Thái Lan

Loa loa loa đồng bào cô bác gần xa ơi!!! Sắp tới mùa lễ hội thả đèn Chiang Mai 2019 rồi, hai đứa mình tổng kết tất tần tật những kinh nghiệm đi lễ hội Loy Krathong và Yi Peng rực rỡ ánh sáng của thành phố Chiang Mai xinh đẹp cho cả nhà đây🌟.

LỄ HỘI LOY KRATHONG VÀ YI PENG LÀ GÌ?

Sau Tết truyền thống té nước Songkran, lễ hội Loy Krathong chính là dịp đặc biệt thứ hai trong năm của người dân xứ sở Chùa Vàng.

🌈Tip: các bạn nên mua trước SIM 4G Happy Tourist . Sẽ có nhân viên Klook đợi sẵn tại sân bay Bangkok hay Chiang Mai để đưa sim. Tiện lợi và giá rẻ hơn nhiều so với mua tại sân bay.

Một điểm quan trọng mọi người cần biết là Loy Krathong và Yi Peng thực ra là hai lễ hội khác nhau diễn ra trong cùng 1 thời điểm. Chính Huệ cũng lầm khi chưa tìm hiểu kỹ.

Do 2 lễ hội này được tổ chức chung – năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày là 11, 12 và 13/11 – nên nhiều người hay gọi chung là lễ Loy Krathong.  

Thực tế, Loy Krathong là lễ hội thả hoa đăng trôi sông còn Yi Peng mới chính là lễ hội thả đèn trời nổi tiếng mà mình hay thấy hình siêu đẹp trên Instagram hay Facebook nha.

Ý NGHĨA LỄ HỘI LOY KRATHONG        

Theo lịch sử thì đất nước Thái Lan ngày nay là sự hợp nhất của vương quốc Lanna và Siam cổ xưa. Huệ sẽ giải thích một chút về ý nghĩa của Loy Krathong và Yi Peng cho cả nhà nhé.

Lễ hội Loy Krathong 

Đây là một trong những lễ hội của vương quốc Thái Lan (Siam xưa).  Trong tiếng Thái, “Loy” hay “Loi” nghĩa là “thả”. Trong khi đó, “krathong” chính là một giỏ hoa đăng thường làm bằng lá, cây, mây…đan vào nhau, có hoa và nến bên trong.

Krathong được bày bán khắp nới với đủ kích cỡ, màu sắc, loại hoa trang trí. Cả nhà có thể dễ dàng mua tại các quầy, cửa hàng dọc đường.

Như vậy, “Loy Krathong” có nghĩa chính xác là thả hoa đăng trên sông. Ý nghĩa tâm linh của Loy Krathong là buông bỏ những sầu muộn, nỗi buồn và sự kém may mắn trong năm cũ.

Đồng thời, ta cầu bình an cho bản thân, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận những điều tích cực hơn cũng như cầu ước một điều gì đó.

Để có 1 spot chụp hình đẹp thì các bạn sẽ phải xếp hàng; cho “nháy ảnh” đứng canh sẵn, và đến lượt mình thì chụp nhanh vì mỗi người chỉ có ít phút thả krathong thôi.

Ý NGHĨA LỄ HỘI YI PENG

Theo tiếng Lanna cổ – Chiang Mai ngày xưa chính là cố đô của vương quốc Lanna – thì Yi Peng có nghĩa là trăng rằm của tháng thứ hai trong lịch cổ Lanna. Ngày nay là thời điểm tầm giữa hoặc cuối tháng 11 dương lịch hàng năm và chỉ được tổ chức ở một số tỉnh phía Bắc Thái Lan (vương quốc Lanna xưa).

Trong lễ hội Yi Peng, hàng chục ngàn chiến đèn lồng giấytiếng Thái là khom loy – sẽ được thả lên bầu trời với ý nghĩa tâm linh tương tự như thả hoa đăng của Loy Krathong: buông bỏ cái cũ, cầu nguyện cái mới.

Cách đốt đèn: các bạn phải dựng đèn lồng lên, đốt miếng nhiên liệu cho cháy đều. Sau đó giữ đèn trong 3-5 phút để khí nóng tỏa khắp đèn; khi đèn phồng lên mới từ từ thả nhé! Mình còn có thể viết những điều ước, nỗi niềm, lời cầu nguyện…lên chiếc đèn lồng giấy trước khi thả.

KINH NGHIỆM ĐI LỄ HỘI LOY KRATHONG VÀ YI PENG:

Sau đây là tất tần tật những kinh nghiệm mà hai đứa mình đã trải qua kỳ lễ hội năm 2018 cho các bạn tham khảo trước khi đi mùa 2019 này nhé.

Thời gian: mùa lễ hội Loy Krathong và Yi Peng theo lịch thường có ngày tổ chức trùng nhau. Năm nay diễn ra vào ngày 11-13/11/2019. Tốt nhất nên đến sớm trước một ngày để cảm nhận không khí lễ hội tốt hơn.

Địa điểm:

1. Địa điểm công cộng: miễn phí, nhưng cực kỳ đông đúc: có rất nhiều điểm thả đèn trời và thả hoa đăng sông rải rác khắp Chiang Mai. Tuy nhiên điểm tập kết nổi tiếng nhất mà miễn phí chính là cầu Nawarat bên bờ sông Ping. Ngoài ra, các bạn có thể tham dự trong sân các ngôi chùa lớn trong trung tâm, tại đây các nhà sư có làm lễ và mọi người thả đèn cũng khá đẹp. 

  • 🌈Nên: đi ít nhất hai đêm lễ hội, 1 đêm đi sớm ra bờ sông để thả đèn hoa đăng, 1 đêm thả đèn trời. Vì khu công cộng rất đông nên không thể trải nghiệm cả hai chỉ trong một đêm. Nên mua đèn cỡ vừa, không quá lớn, chụp hình sẽ đẹp hơn.
CHIANG MAI – KINH NGHIỆM ĐI LỄ HỘI LOY KRATHONG

Đêm đầu tiên chưa có kinh nghiệm nên mình mua đèn quá lớn, nhìn không cân đối và che hết cả đằng sau :))

  • 🌈Không nên: nếu đến trễ, không nên cố chen vào bên trong đám đông đang thả đèn ở phía cầu. Hãy đứng ở khu vực ngoài để đoàn người đang thả đèn phía trong làm background cho bức hình của bạn. Chen vào giữa không gian sẽ rất chật và khó chụp hình. 

Tấm hình đèn trời tâm đắc của Gia Ngọc Huệ sau 3 đêm …trực chiến ^^

2. Địa điểm riêng, có thu phí vào cửa, có nên mua vé không dù vé rất đắt? (khoảng 3 triệuVNĐ/người):

Có, có và rất nên có! Đây chính là kinh nghiệm xương máu nhất của hai đứa mình. Do một phần cũng muốn tiết kiệm mà vé lại quá đắt nên hai đứa mình chỉ đi những chỗ thả công cộng thôi, vất vả hơn cả trăm lần mới canh được khoảng khắc đẹp😭.

Chỗ công cộng thì sẽ đông người và chen chúc như thế này nhé!

Thực sự, nếu các bạn muốn trải nghiệm tốt nhất và có những shot hình đẹp nhất thì nên mua vé tham gia các sự kiện private – chỉ tổ chức cho vài nghìn người tại vài điểm ngoại ô thành phố Chiang Mai.

  • 🌈Lý do: vì là sự kiện được tổ chức quy mô và giới hạn, các bạn sẽ được: Đưa đón bằng xe từ khách sạn đến nơi tổ chức, có kèm ăn tối và chương trình nghệ thuật, đồng loạt thả đèn trời và pháo hoa nên không cần canh hay chen chúc mà lung linh hơn rất nhiều so với thả tại nơi công cộng. 
  • 🌈Mua vé như thế nào: vé tham dự các sự kiện này rất hot và hết vé cực nhanh nên cả nhà mua sớm nhé!

Thả đèn tại Wat Doi Ti thì vào ĐÂY để mua. Trong link có giới thiệu lịch trình và chi phí cụ thể.

Thả đèn tại Cowboy Army Riding Club mua vé TẠI ĐÂY.

——–

Nên tham gia lễ hội mấy đêm?

Huệ đi cả 3 ngày lễ liên tiếp vào năm 2018 luôn vì mỗi ngày đều đẹp và đi 3 điểm khác nhau cho có những shot hình đẹp nhất. Tuy nhiên năm nay, nếu các bạn không có thời gian thì đi ngày 13/11/2019 cũng được, đó là Ngày Chính Hội và cũng sẽ là ngày đông nhất!

Theo quan niệm nhà Phật, nếu chiếc khom loy của bạn mà bay cao mất tiêu thì bạn sẽ có may mắn và lời nguyện cầu được ứng nghiệm.

Ngược lại, đèn lồng mà bị cháy giữa chừng, mắc vô cây hay rớt xuống sông thì xác định…đốt lại cái khác nha; không may đâu 😅

LƯU Ý KHI ĐI LỄ HỘI LOYKRATHONG VÀ YIPENG:

Chính quyền Thái Lan đã quy định rất rõ về thời gian lễ hội cũng như địa điểm, vì vậy các bạn nên thả đúng nơi quy định và đúng thời gian nhé!

CHIANG MAI – KINH NGHIỆM ĐI LỄ HỘI LOY KRATHONG

Thả trong khu dân cư rất nguy hiểm, đèn có thể bị mắc lại mái nhà, đường điện…, gây hoả hoạn như chơi đó!

CHỐT LẠI😆:

Huệ đúc kết các kinh nghiệm và tips dưới đây cho mọi người dễ tham khảo nhé: 

  • Thời gian lễ hội năm nay: 11/11 , 12/11 và 13/11. Trong đó 13/11 là chính hội. 
  • Loy Krathong là lễ hội thả hoa đăng trôi sông
  • Yi Peng là lễ hội thả đèn trời
  • Nếu tiết kiệm: tham gia lễ hội tại các điểm công cộng sẽ không mất phí. 
  • Nếu muốn hình đẹp hơn, trải nghiệm tốt hơn: tham gia các sự kiện giới hạn có mua vé vào cổng
  • Nên mua vé sớm vì vé hết rất nhanh.

VÉ VÀO CỬA LỄ HỘI ĐÈN LỒNG YI PENG 2019 CHỈ 2 TRIỆU VNĐ – TẠI WAT DOI TI

Chúc cả nhà sẽ có bức hình tuyệt vời ông mặt trời lưu giữ thanh xuân tại cố đô Chiang Mai xinh đẹp!

——–

ĐỌC THÊM: 

CHIANG MAI – 3 quán cafe siêu xinh

Nói đến Chiang Mai là nói đến cố đô của vương quốc Lanna xinh đẹp một thời; là  lễ hội Yi Peng thả đèn trời; và lễ hội Loy Krathong thả hoa đăng trôi sông nổi tiếng thế giới.

Fun fact: mọi người hay nhầm lẫn 02 lễ hội trên với nhau, Huệ sẽ giải thích và chia sẻ trải nghiệm của team trong bài NÀY.

Chiang Mai còn được biết đến như là thủ phủ café của Thái Lan; là thành phố mà cái hồn café thắm đượm trong từng ngóc ngách. Đến Chiang Mai, phải đi uống café!

Sau đây là 03 quán café phải check-in khi đến Chiang Mai. Let’s goo!

GRAPH CAFÉ

Nằm trong một con hẻm nhỏ trong khu trung tâm Chiang Mai, Graph Café chưa chắc đã được xem là 1 quán café nghen mọi người dù nó hot hòn họt luôn. 

Địa chỉ: 25/1 Rajvithi Lane 1, T.Sriphoom, A.Muang, Chiangmai

Lí do đơn giản là quán…cực nhỏ. Không gian quán chừng 8 mét vuông thôi và ngồi khin khít tầm được 8 người. Cơ mà mặt tiền là 1 góc Instagram xịn sò phải chụp check-in ngay.

Nhỏ vậy đó nhưng chất khỏi hỏi. Thiết kế quán đậm tính đương đại, contemporary với 1 menu đồ uống rất lạ. Đặc sắc nhất chính là các loại café pha với than hoạt tính đen – trước giờ Huệ chưa từng uống café than luôn.

Mãi uống café mà quên chụp anh barista nên chụp dàn máy của anh ấy.

Anh barista để râu, tóc dài phong cách hipster luôn miệng “sawadikhap” và cười tươi hết cỡ. Đồ uống anh pha ra thì từng món đều là signature.

Huệ đi 3 người mà uống hết 5 ly café, say cả nhóm luôn. Café ở đây đậm đà, vị lạ.

Ví dụ như món Sompetch là café Expresso pha với cam tươi, ca cao đen và sữa. Món này uống có vị cam và cacao nồng kết hợp với độ béo ngậy của sữa nên con gái uống thoải mái nhé.

Ly nước gì mà đẹp nhức nhối. Lại còn sử dụng ống hút nhôm nữa. Điểm 10 cho môi trường!

Còn đây là món Café than hoạt tính và sữa tươi đây. Công nhận là café có than vào uống có vị thanh nhẹ, hơi chát của than. Lạ miệng lắm nha, uống tí đen cả răng cả nhà ơi

Món này có tên dễ thương cu-te Boy With Girlfriend với dụng ý là Boy – ly café đen sẽ phải dùng chung với Girlfriend – ly soda chanh đường đủ vị chua ngọt. Tha hồ mà thưởng thức nha các chàng trai.

Còn hai món nữa mà tụi mình uống là Café than đựng trong lọ nhôm và một món soda nữa. Giá cả hạt dẻ so với mặt bằng, độ sáng tạo và độc đáo của các món nước.

Mọi người ghé thăm Chiang Mai nhất định phải đến Graph Café nha.

GATEWAY COFFEE ROASTER

Gateway Coffee Roaster là một quán café rang xay tại chỗ nằm ngay phía ngoài cổng thành nổi tiếng nhất Chiang Mai – cổng Tha Phae Gate – trên con đường chính dẫn thẳng ra bờ sông để tham dự lễ hội Yi Peng và Loy Krathong.

Địa chỉ: 50300 Chang Moi Rd Soi 2, Tambon Chang Moi, Amphoe Muang, Chiang Mai

Nhìn phía ngoài, Gateway có thiết kế đương đại kiểu công nghiệp tối giản Industrialized. Muốn vào quán, cả nhà phải đi đường bên hông, có lối dẫn lên lầu 2 là đến

Lối vào của Gateway Coffee Roaster, cũng là một điểm chụp check-in streetstyle đẹp nha mọi người. Lúc này vừa đi nắng mệt nên cười hông được tươi lắm ^^

Không gian quán bài trí như một nơi đọc sách, thư viện với các chai lọ café như trong một phòng thí nghiệm.

Chị barista đang pha café, cân chỉnh đàng hoàng nhìn rất chuyên nghiệp.

Mùi café thơm nức khắp phòng vì đây vừa là quán, vừa là trung tâm rang xay café tại chỗ.

Trình bày của Gateway thì đẹp như bên quán Graph Café với thớt gỗ và ly nước bài trí cực bắt mắt. Huệ nghĩ nếu Việt Nam mình cũng nhân rộng cách trang trí café này thì giá trị thêm vào sẽ tăng cao.

Các món nước tại Gateway đặc biệt ở chỗ café được đựng trong từng ống thủy tinh, mình đổ bao nhiêu vào ly nước phụ thì tùy mình.

CHIANG MAI – 3 quán café phải check-in 

Một góc chụp xinh xinh tại Gateway! ^^

Riêng món này là café sữa tươi với các loại hạt và dứa. Chị barista dặn là phải uống 1 hớp café ở trên trước để thưởng thức trọn vẹn vị café. Sau đó mới khuấy đều ly để tận hưởng tất cả gia vị.

Ly Expresso đường nâu và cam này uống nặng lắm nha mọi người. Vị cam thanh nhẹ và đường nâu giúp ly café dễ uống hơn một chút. Huệ không uống được café nhiều nên một ngụm này thôi là thấy say say rồi.

Ngoài ra Gateway còn nhiều món nước đặc sắc và sáng tạo khác. 

Góc chụp đẹp nhất có lẽ là ngoài lan can; nắng chiếu thẳng vào quán, mình ngồi ngắm dòng người xe qua lại trên con đường nhộn nhịp nhất Chiang Mai.

AKHA AMA LA FATTORIA

Quán café nhỏ xinh này nằm ngay mặt tiền đường trước ngôi chùa có lẽ là nổi tiếng nhất Chiang Mai: Wat Phra Singh. Ngôi chùa này được xem như là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất, nơi người dân Chiang Mai đến cầu an và thờ tự rất nhiều.

Địa chỉ: 175/1 Rachadamnoen Road, Tambon Si Phum, Chiang Mai

Ấn tượng của quán café Akha Ama chính là vị trí đắc địa nên cả nhà có thể kết hợp viếng chùa Wat Pra Singh và check-in tại quán.

Huệ thích phong cách trang trí kiểu factory của Akha Ama La Fattoria – nhìn hơi hơi giống The Coffee Factory của bên mình nghen nhưng đẹp hơn.

Cafe rang xay tại chỗ, thơm nức. Vào ngửi mùi cafe là bừng tỉnh sau chuyến cuốc bộ giữa trưa nắng!

Các món nước gồm café rang xay tại chỗ, các loại trà… Đặc biệt café ở đây Huệ thấy rất thơm; còn Matcha trà xanh thì vị chát đậm uống khá ngon.

Akha Ama theo đuổi phong cách năng động, trẻ trung nên vào quán chỉ có ly nhựa, không trang trí như hai quán kia. Uống nhanh, ngắm phố phường rồi lại tiếp tục hành trình khám phá Chiang Mai.

Chính vì vậy mà quán rất đông, lượng khách ra vào liên tục – nhất là dịp lễ hội tháng 11.

——–

ĐỌC THÊM: